Ecommerce Tracking, theo cá nhân mình thấy, là một tính năng cực kỳ mạnh mẽ và hữu ích của Google Analytics. Và thật thiếu sót nếu 1 đơn vị làm về lĩnh vực e-Commerce – có sử dụng Google Analytics – mà lại không cài đặt Ecommerce Tracking trên website của mình.
Lợi ích của Ecommerce Tracking
Điểm “sơ sơ” qua thì Ecommerce Tracking có thể giúp bạn thu thập được những thông tin:
- Sản phẩm nào bán chạy nhất, và từ đó suy ra sản phẩm nào phù hợp với khách hàng nhất, sản phẩm nào chưa phù hợp (hay chưa hấp dẫn, …).
(Thông tin này chúng ta hoàn toàn có thể xem được trong hệ thống của mỗi website e-Commerce, tuy nhiên nó lại tách biệt với Google Analytics, dẫn đến việc kết hợp nhiều dữ liệu để đi đến nhiều insights khác nữa là điều cực kỳ khó khăn. Quan trọng là data phải tập trung về 1 hệ thống thì việc phân tích sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn). - Doanh thu/đơn hàng, Số sản phẩm/Đơn hàng: những số liệu này có thể là tiền đề để chúng ta đưa ra những bước hành động tiếp theo. Ví dụ nếu Số sản phẩm/Đơn hàng thấp hơn kỳ vọng, thì chúng ta có thể đưa ra các chương trình khuyến mãi như free ship cho đơn hàng trên X đồng, hoặc mua Y sản phẩm sẽ được discount Z %,…
- Kênh marketing, chiến dịch marketing nào mang lại đơn hàng nhiều nhất, hoặc có số lượng assist nhiều nhất (cái này quan trọng, nếu không có một chiến lược đo lường hiệu quả sẽ dễ dẫn đến… cãi nhau ).
- Và còn rất nhiều tính năng khác nữa mà Ecommerce Tracking mang lại cho chúng ta…
Standard Ecommerce vs. Enhanced Ecommerce Tracking
Google Analytics cung cấp 2 option cho chúng ta khi triển khai Ecommerce Tracking đó là Standard Ecommerce (SEc) và Enhanced Ecommerce (EEc). Để so sánh tính năng của 2 option này, các bạn có thể xem bảng sau:
Standard Ecommerce | Enhanced Ecommerce | |
---|---|---|
Transaction Data
Đơn hàng có sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu. Tổng giá trị đơn hàng là bao nhiêu, bao gồm phí ship, thuế,…
| v | v |
Time to Purchase
Từ lúc mới truy cập website lần đầu tiên tới lúc mua hàng là bao nhiêu ngày
| v | v |
Product Performance
Sản phẩm đã được order bao nhiêu lần, trung bình 1 đơn hàng xuất hiện sản phẩm này thì sản sản phẩm này được mua với số lượng bao nhiêu…
| v | v |
Product Performance (Advanced)
Tỉ lệ Add to Cart/Product Views, tỉ lệ mua/Product Views,…
| x | v |
Shopping Behavior
Có bao nhiêu session view sản phẩm, bao nhiêu session có thực hiện Add to Cart, bao nhiêu session có thực hiện Checkout,…
| x | v |
Checkout Behavior
Khách exit ở bước checkout nào nhiều nhất, tỉ lệ đơn hàng/số lượt checkout là bao nhiêu,…
| x | v |
Có thể thấy là EEc có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với SEc, giúp chúng ta có nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra trên website e-Commerce của mình.
Vậy thì nên triển khai EEc hay SEc? Câu trả lời của mình đó là: đương nhiên là EEc rồi, cứ có nhiều data trước đã, rồi tìm cách xử lý data sau :D. Có quá nhiều ưu điểm khiến chúng ta không thể không bị hấp dẫn bởi Enhanced Ecommerce .
… trừ việc đó là khâu triển khai (implementation) – cơn ác mộng đối với các bạn marketer không-biết-gì-về-code!
Rào cản khi triển khai Enhanced Ecommerce
Một số điều khiến bạn dễ “gục ngã” trong quá trình triển khai Enhanced Ecommerce:
- Đọc document xong chả hiểu gì sất
- Hiểu được “sơ sơ” document rồi thì phải viết lại document cho developer và các sếp hiểu, trình bày bạn muốn triển khai phần nào, vì sao cần triển khai phần này, kết quả thu được sẽ là gì, ví dụ sự khác nhau trước và sau khi triển khai,… Nếu bạn không hiểu kỹ, sẽ dễ bị “tam sao thất bản”, nội dung bị lệch lạc so với original document của Google.
- Bạn và developer nhiều khả năng sẽ “không nói cùng 1 ngôn ngữ”. Bạn nói tiếng Việt và tiếng Anh, còn developer nói tiếng… javascript, php… Cho nên sẽ có lúc bạn hiểu A, nhưng lại giải thích thành B, còn developer hiểu C, chưa kể sếp sẽ hiểu thành D (mọi thứ lạc trôi luôn kể từ đây).
- Chờ đợi không là hạnh phúc. Giả sử bạn may mắn ngồi gần anh developer thì hằng ngày có thể qua “mua chuộc”, nhờ anh ơi làm giúp em nhanh nhanh với. Còn khoảng cách xa, chỉ trao đổi được qua internet thì thời gian chờ đợi sẽ là thứ làm bạn nản chí, có khi cả tháng hoặc vài tháng mới triển khai xong. Vì developer họ luôn luôn bận, nhất là các bạn in-house, khi 1 lúc ôm cả tá project, rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”. Chính vì thế, implementation document của bạn cần phải dễ hiểu và đầy đủ các thông tin, thì việc phối hợp với developer sẽ bớt nặng nề hơn nhiều.
- Hạn chế về kỹ thuật của chính bản thân bạn. Developer chỉ có nhiệm vụ generate các thông tin về ecommerce đúng với technical requirements, còn việc lấy các thông tin đó về và gửi đến Google Analytics hoàn toàn là phần việc của bạn. Nếu bạn không quen sử dụng Google Tag Manager, làm việc với dataLayer thì đây sẽ là một quá trình cực kỳ vất vả. Rất may mắn, là các yếu tố nội tại này đều có thể được cải thiện bằng cách rèn luyện. Hãy practice với GTM thật nhiều để hiểu được cơ chế hoạt động của Tag, Variable, Trigger, dataLayer, Custom Event,… và đặc biệt là khả năng testing, preview để tìm ra mình đã xử lý lỗi ở bước nào.
Thành quả
Con đường chông gai nào thường cũng mang lại quả ngọt. Việc triển khai Ecommerce Tracking cũng vậy, đòi hỏi ở bạn rất nhiều kỹ năng và sự kiên trì.
Nhưng một khi đã triển khai thành công (dù là 60-70%) các tính năng của Ecommerce Tracking thôi, thì bạn sẽ thấy rằng công sức của mình bỏ ra thật xứng đáng:
- Việc tracking hiệu quả các kênh và chiến dịch marketing trở nên dễ dàng và chính xác hơn rất nhiều so với việc thiết lập tracking qua goal.
- Bất kỳ bộ phận nào cũng có thể biết được tình hình kinh doanh của website đang như thế nào, và mình đóng góp như thế nào vào hiệu quả hoạt động của website.
- Sếp của bạn sẽ tin tưởng bạn, gia đình và xã hội tin tưởng bạn (Đùa thôi! Có lỗi xảy ra thì bạn vẫn bị lôi đầu ra chửi như thường).
- Đồng nghiệp sẽ “yêu quý” bạn hơn mỗi lần họ cần bạn hướng dẫn cách xem đơn hàng và hiệu quả marketing, vì không ai hiểu hệ thống này hơn bạn.
- Bạn sẽ có nhiều cơ sở hơn để thực hiện A/B Testing, hoặc Multivariate Testing (Checkout bước điền thông tin giao hàng có số lượng drop-off nhiều quá? Thử testing form xem sao. Add to Cart/Detail Views sao thấp thế nhỉ? Thử thay đổi màu và text của Add to Cart button xem sao,…). Có hàng tá ý tưởng bạn có thể nghĩ ra từ việc khai thác dữ liệu ecommerce tracking.
Ở những phần sau, mình sẽ đi vào chi tiết hơn về cách để đọc hiểu implementation document của Google Analytics, cũng như cách triển khai Enhanced Ecommerce thông qua Google Tag Manager.
Bạn nào qua tâm, hãy theo dõi series này, và đừng ngại comment góp ý để thảo luận cùng với mình nhé!
Nguyễn Hữu Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét