Event Tracking là một tính năng nâng cao của Google Analytics, vì thế để thực hành Event Tracking trong series này, các bạn phải có kiến thức cơ bản về Google Analytics như:
- Google Analytics là gì? Nó có thể làm được gì?
- Cách xem báo cáo Google Analytics (các chỉ số cơ bản như Pageview, Sessions, Bounce Rate, Time on Site,…)
- Event Tracking là gì? Vì sao phải sử dụng Event Tracking?
- Google Tag Manager là gì? Cách sử dụng Google Tag Manager
- Một chút HTML cơ bản
Tại sao phải thiết lập event tracking cho menu click?
Bạn muốn chỉnh sửa menu của mình nhưng không biết item nào được click nhiều hay ít để chỉnh sửa cho phù hợp? Bạn muốn thay thế 1 item không cần thiết trên menu của website công ty nhưng sếp yêu cầu bạn phải có số liệu để chứng minh nó không cần thiết? Bạn không cần phải trăn trở về vấn đề này nữa vì nó sẽ được giải quyết dễ dàng với event tracking.
Bằng việc thiết lập event tracking cho menu click thì bạn sẽ biết được người dùng đã click vào item nào trên menu của bạn, item nào được click nhiều nhất – ít nhất, tỉ lệ click menu trên tổng pageview là bao nhiêu, và bạn thậm chí còn biết được là người đó đang ở page nào khi click menu nữa. Nói tóm lại, đây là một event tracking dễ dàng triển khai mà lại thu thập được rất nhiều dữ liệu hữu ích, phù hợp với bất kỳ loại hình website nào, từ blog cá nhân đến website e-commerce.
Hướng dẫn cài đặt event tracking cho menu click
1. Tạo Tag mới
Truy cập vào Google Tag Manager , chọn website cần track, sau đó ở màn hình chính như trên, click vào “ADD A NEW TAG” để tạo một tag mới.
2. Đặt tên cho Tag và thiết lập các thông số cho Tag
Giải thích cách thiết lập trong hình trên:
- Tracking ID: là tracking ID của tài khoản Google Analytics của website. Bạn có thể lấy nó bằng cách vào Admin -> Property (chọn property của website mà bạn muốn cài đặt event tracking) -> Tracking Info -> Tracking Code
- Track Type: Event, điều này chắc không cần phải giải thích nhỉ, vì chúng ta đang tạo event tracking mà
- Event Category: Đặt tên tùy bạn, nhưng hãy đặt tên một cách ngắn gọn, dễ nhớ để ai đọc report cũng hiểu được event này nói về cái gì.
- Event Action: Các bạn có thể thấy nó được đặt trong 2 dấu móc nhọn {{}}, có nghĩa nó là 1 biến (variable).Có nghĩa là Event Action sẽ có giá trị thay đổi tùy thuộc vào biến ở trong móc nhọn kia. Ở đây chúng ta thiết lập là {{Click Text}} để lấy giá trị đoạn text của link mà người dùng click vào.
- Event Label: cũng là 1 biến, nhưng Event Label có giá trị là {{Page URL}}, để biết được ngay tại thời điểm click vào menu thì người dùng đang ở page nào. Với giá trị này thì chúng ta sẽ biết được từ đâu mà người dùng click vào menu nhiều nhất.
Sau khi đã thiết lập xong event, chúng ta click vào phần Triggering ngay bên dưới để thiết lập điều kiện kích hoạt event.
Giải thích cách thiết lập trong hình trên:
- Trigger Type: Click – Just Links. Vì chúng ta đang tracking menu, nên chúng ta sẽ chỉ muốn track những click vào link mà thôi
- This trigger fires on: Click Element matches CSS selector: #header li a. Có một điểm cần làm rõ ở đây đó là giá trị này sẽ thay đổi tùy thuộc vào code của mỗi website. Nhưng phương pháp thì vẫn giống nhau, đó là lấy thẻ <a> nằm trong phạm vi menu của bạn, để phân biệt link này với những link khác có trên website mà không thuộc menu.
Như trong hình trên, mình chỉ muốn track khu vực#header, nên mình sẽ bắt đầu với cấp cao nhất là div#header, sau đó trong phần header này, mình chỉ muốn track các link có trong menu, mà đa số các menu đều viết menu dưới dạng list, thế nên mình sẽ chỉ cần track các thẻ <a> nằm trong thẻ <li> là xong. Và kết quả cuối cùng các bạn có thể thấy element mà mình thiết lập điều kiện kích hoạt event là : #header li a
Sau khi đã thiết lập hết các thành phần trên, các bạn save Tag lại và nhấn Publish để Tag này bắt đầu có hiệu lực trên website. Các bạn có thể sử dụng chế độ Preview để test xem Tag này hoạt động có đúng như mình mong muốn hay không trước khi Publish nó. Cách Preview thế nào thì mình sẽ hẹn các bạn ở một bài khác.
Lời kết
Như vậy là chúng ta đã cài đặt xong Event Tracking cho hành vi click Menu của người dùng. Với lượng data thu được này, kết hợp với UI/UX, các bạn có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, tăng tỉ lệ click menu và giữ chân người dùng lâu hơn.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì về chủ đề này, đừng ngại để lại comment bên dưới hoặc liên hệ với mình nhé. Chúc các bạn thành công!
Nguyễn Hữu Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét